Động vật chân kép

Nhiều nhà sinh học cho rằng Động vật chân kép là một nhóm động vật thú vị nhất hành tinh. Vậy, Động vật chân kép là nhóm động vật nào và tại sao các nhà khoa học lại có ý kiến như vậy.
”Động vật chân kép” là tên gọi nhóm động vật nhiều chân thuộc ngành Chân khớp (Arthropoda). Tiếng Anh gọi nhóm này là “triệu chân” (Millipede), mặc dầu hiện đã biết nhiều nhất chỉ có 375 đôi chân (Illacme plenipes) và ít nhất chỉ có 12 đôi chân (Polyxenus lagurus). Động vật chân kép có bộ xương ngoài, cơ thể phân đốt và có các đôi chân trên mỗi đốt cơ thể. Mặc dù việc phân đốt của động vật chân kép rất rõ ràng nhung những đốt mà ta quan sát thấy thực tế được cấu tạo từ 2 đốt nhỏ hơn. Do vậy, người ta còn gọi động vật chân kép là động vật có đốt kép (diplosegments). Với cấu tạo cơ thể như vậy, trên mỗi đốt của động vật chân kép có 2 đôi chân (trừ trường hợp đốt đầu tiên, một số đốt cuối cơ thể không có chân và 3 đốt sau đốt đầu tiên chỉ mang 1 đôi chân trên mỗi đốt). Nhờ đặc điểm này mà ta có thể dễ dàng phân biệt đ          ộng vật chân kép với các chân khớp khác.

Động vật chân kép sống ở đâu?
Hầu hết động vật chân kép sống ở những vùng ẩm ướt. Chúng đào hang trong lớp đất mặt, sống trên cành lá mục hoặc trên cây. Joachim Adis và các cộng sự ở Viện Max Planck Limnology đã phát hiện được nhiều loài động vật chân kép sống thời gian dài trên cây trong mùa lụt của rừng Amazon.
Một số loài động vật chân kép quen sống trong các vùng đất khắc nghiệt. Cliff Crawford, chuyên viên sinh thái học ở trường Đại học New Mexico đã tìm thấy một số loài động vật chân kép ở các sa mạc khắc nghiệt vùng Tây Nam nước Mỹ. Chúng thường ẩn mình dưới đá và chỉ xuất hiện khi có mưa.
Henrik Enghoff ở Bảo tàng động vật Copenhagen đã mô tả một số loài động vật chân kép sống trong hang động ngập nước. Các loài thuộc giống Amazonian có thể sống hàng tháng trong nước. Chúng hô hấp nhờ các bóng khí bọc quanh cơ thể. Một số loài còn sống ở vùng triều ven biển châu Âu.

Thức ăn của Động vật chân kép là gì?
Thức ăn chủ yếu của động vật chân kép là các cành, lá cây mục. Nó phân hủy những cành lá cây này thành những mảnh nhỏ hơn, làm tăng diện tích bề mặt, tạo điều kiện cho vi sinh vật phát triển trong các quá trình tiếp thep, hình thành lớp mùn của đất. Do đó, động vật chân kép là một mắt xích quan trọng của chuỗi thức ăn phân hủy.
Bên cạnh các Động vật chân kép chỉ ăn thực vật, có mọt số loài ăn cả động vật. Jerry Payne ở Bộ Nông nghiệp Mỹ và Richard Hoffman ở Bảo tàng Lịch sử tự nhiên Virginia đã mô tả tập tính ăn thịt của một số loài động vật chân kép thuộc họ Parajulidae ở Bắc Mỹ. Chúng chuyên ăn nhộng của côn trùng. Ngoài ra, một số loài động vật chân kép sống trong hang động ngập nước còn ăn vi khuẩn và vi sinh vật nổi. Tuy nhiên, cho đến nay vẫn chưa tìm thấy một loài động vật chân kép nào ăn sinh vật nổi trong các thủy vực trên mặt đất.
Đấu tranh chống kẻ địch để tồn tại
Nằm ở đầu của chuỗi thức ăn phân huỷ, Động vật chân kép là thức ăn của một số nhóm động vật. Theo Gill Brown ở Đại học Cornell, động vật chân kép Polydesmida là thức ăn độc nhất của kiến Gnamptogenys igeborgae ở Colombia. Kiến tấn công con mồi bằng răng độc, sau đó tha động vật chân kép về tổ. ở đó, chúng xé Động vật chân kép thành từng phần trước khi ăn. Động vật chân kép còn là thức ăn của ấu trùng đom đóm Zarhipis integripensis ở Californica. Tìm thấy động vật chân kép, ấu trùng đom đóm đi rất nhanh dọc theo con mồi và cuối cùng chụp lấy nó, nâng nó lên và cắn vào dây thần kinh bụng. Với cách đó, động vật chân kép sẽ bị tê liệt trước khi bị ăn thịt.
Ngoài ra, động vật chân kép cũng là thành phần thức ăn của một số loài bò sát, chim, gặm nhấm...
Động vật chân kép có nhiều hình thức tự vệ. Bộ xương ngoài là hình thức tự vệ đầu tiên. Thêm vào đó, Động vật chân kép còn có khả năng cuốn trong người lại, bảo vệ đầu và chân trước sự tấn công của kẻ thù.
Các loài Động vật chân kép thuộc bộ Polyxenida phát triển lớp lông móc câu bao phủ để bảo vệ cơ thể. Khi kẻ địch tấn công động vật chân kép, lập tức sẽ bị những chiếc móc câu này giữ lại, không cho cử động.
Động vật chân kép Polydesmida còn có khả năng tiết chất độc, gây tê liệt kẻ thù. Chất tiết này chứa chất độc: quinol, cresol, phenol và đặc biệt là hydrogen cyanid. Tuyến tiết chất độc nằm ở phía lưng, có cấu tạo gồm 2 phần: phần tạo cyanid (cyanophore) và phần chứa cyanid (buồng phản ứng). Khi bị tấn công, Động vật chân kép sẽ tiết cyanid để tự vệ.
Không chỉ động vật chân kép Polydesmida mà cả động vật chân kép Glomerida cũng có khả năng tiết chất độc tự vệ. Theo Oim Carrel ở Đại học Missouri, Động vật chân kép Glomeris marginata ở châu Âu có khả năng tiết quinozolinone để gây mê kẻ địch khi bị tấn công. Tuy nhiên, chất tiết của chúng chỉ giới hạn trong một số kẻ địch.
Động vật chân kép có khả năng tiết chất độc thường có hình dạng và màu sắc đặc trưng, nhờ thế mà kẻ thù thường sớm nhận biết chúng để tránh trước. Tuy nhiên, một số loài động vật chân kép không có tuyến độc nhưng vẫn tránh được kẻ thù nhờ có hình dạng và màu sắc giống với các loài có tuyến độc.
Động vật chân kép sinh sản như thế nào?
Động vật chân kép là động vật phân tính. Sự giao phối ở động vật chân kép được thực hiện bởi chân giao phối.
ở Động vật chân kép, trứng và tinh trùng sau khi hình thành, được lưu giữ trong một cơ quan, gọi là lỗ sinh dục (gonopore). Lỗ sinh dục nằm trên đốt thứ 3 của cơ thể, gần với đôi chân thứ 2. Chân giao phối của động vật chân kép nằm trên đốt 7 hoặc 8, được biến đổi từ các đôi chân của các đốt này.

Trước khi ghép đôi, động vật chân kép đực chuyển tinh trùng từ lỗ sinh dục sang chân giao phối bằng cách uốn cong người sao cho chân giao phối tiếp xúc với lỗ sinh dục. Sau đó, bằng các động tác của cơ thể hoặc bằng các chất dẫn dụ, khi được chấp nhận, Động vật chân kép đực cuốn quanh mình con cái và chuyển tinh từ chân giao phối sang bao tinh trên cơ thể con cái. Bao tinh là một  túi ở phần trước cơ thể. Tinh trùng sẽ được giải phóng và thụ tinh cho trứng trước thời gian ấp trứng.
Một kiểu ghép đôi khác gặp ở động vật chân kép Glomerida. Nhóm này không có chân giao phối mà thay vào đó, đôi chân cuối biến thành các mấu khoẻ để giữ cá thể cái trong lúc ghép đôi. Cá thể đực dùng đất tạo ra chiếc cốc nhỏ và chuyển tinh trùng vào đó. Sau đó, chiếc cốc này được chuyền sang cá thể cái. Cá thể cái giữ chiếc cốc này trong những vuốt lớn và tinh trùng sẽ giải phóng khi thụ tinh cho trứng. Đây là nhóm động vật chân kép duy nhất biết sử dụng các công cụ tự tạo cho việc ghép đôi (W.A. Shear, 1999. Millipede. American Scientist).
Trứng được đặt trên mặt đất. Một số nhóm Động vật chân kép sẽ dùng đất hình thành các viên bi để ngụy trang trứng, bảo vệ phôi phát triển. Động vật chân kép Chordeumatida tạo ra các sợi tơ dệt thành các túi mềm, bảo vệ trứng.
Động vật chân kép có lợi hay có hại?
Trong hệ sinh thái đất, động vật chân kép là một nhóm động vật có vai trò rất quan trọng. Nó phân huỷ cành, lá cây mục thành những mảnh nhỏ hơn, tạo điều kiện cho vi sinh vật hoạt động, góp phần hình thành lớp mùn cho đất, nâng cao chất lượng đất. Hoạt động của Động vật chân kép góp phần trả về cho môi trường những nguyên tố cần thiết, làm tăng độ phì của đất.
Ngoài ra, từ các hóa thạch của mình, động vật chân kép còn là nguồn cung cấp một số hợp chất hữu cơ cho một số ngành công nghiệp của con người.
Với gần 10.000 loài thuộc 15 bộ trên 148 họ đã được mô tả và ước tính hơn 80.000 loài có trên Trái đất, động vật chân kép góp một phần không nhỏ vào đa dạng sinh học. Từ các đặc điểm hình thái của mình, Động vật chân kép phần nào đã phản ánh được quá trình tiến hóa của sự sống trên Trái đất. Đồng thời, theo Amos Nur ở Đại học Stanford và Zvi Ben-Avraham ở Đại học Ten Avip, mối quan hệ tiến hóa và phân bố địa lý của Động vật chân kép sẽ là một bằng chứng thích hợp cho việc giải thích thuyết “Trôi dạt lục địa”.

Nhìn chung, động vật chân kép là nhóm động vật ít có hại cho con người. Tuy nhiên, một vài loài có thể làm thiệt hại đến sản lượng cây trồng do ăn rễ cây. ở châu Âu, Động vật chân kép gây hại cho củ cải đường; ở châu Phi, một số loài Spistreptida có thể hại bông và lạc. Oxidus gracilis gây hại cho các mỏ vàng ở Johannesburg (Nam Phi), do chúng phá hủy các thanh gỗ chống lò ở độ sâu hàng chục mét.
Động vật chân kép cũng có thể làm ảnh hưởng đến hoạt động giao thông khi số lượng của chúng quá nhiều. ở Nhật, Parafontaria laminata đôi khi có số lượng rất lớn và khi di chuyển qua đường ray, chúng gây cản trở các đoàn tàu. Vấn đề tương tự cũng được ghi nhận ở Đức, Pháp, Hunggari và đặc biệt ở Tây Virginia (Mỹ) năm 1949 khi mà số lượng động vật chân kép có thể lên đến 65 triệu con trong một khu vực.
Động vật chân kép xuất hiện trên Trái đất từ khi nào?
Có thể nói động vật chân kép là một trong những nhóm động vật ở cạn khá sớm. Được coi là hóa thạch cổ nhất của Động vật chân kép, tuy vẫn chưa thống nhất về vị trí giữa các nhà khoa học, Cambropodus gracilis Robison có tuổi thuộc Cambri. Những hóa thạch được tìm thấy ở thời kỳ sau như: Archidesmus macnicoli (cuối Silua), Arthropleura armata (đầu kỷ Các bon)... không gây ghi vấn gì do rõ các đặc điểm đặc trưng của động vật chân kép.
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
Gửi phản hồi