Về thành tựu KHCN của đơn vị trong 5 năm gần nhất
Mỗi năm Viện STTNSV chủ trì thực hiện khoảng 80-100 nhiệm vụ khoa học công nghệ các cấp, trong đó có nhiều đề tài cấp nhà nước, cấp bộ, cấp tỉnh liên quan đến khu hệ động vật và thực vật Việt Nam, sử dụng bền vững tài nguyên sinh vật, đa dạng sinh học và bảo tồn nguồn gen, sinh thái học, đánh giá tác động môi trường và ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, quan trắc và xử lý ô nhiễm môi trường. Viện STTNSV đã có nhiều đóng góp trong sự nghiệp bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, sử dụng và phát triển bền vững tài nguyên sinh vật cả trên đất liền, biển và hải đảo. Cán bộ của Viện đã tham gia nghiên cứu và xây dựng luận chứng kỹ thuật, dự án đầu tư thành lập hơn 50 khu bảo tồn thiên nhiên, xây dựng hồ sơ khu di sản thiên nhiên thế giới, vườn di sản ASEAN, khu bảo tồn đất ngập nước RAMSAR ở Việt Nam. Viện STTNSV đã được vinh danh là Tổ chức có nhiều đóng góp trong công tác nghiên cứu và bảo tồn loài hoang dã giai đoạn 2010-2020.
Một số hướng nghiên cứu có liên quan trực tiếp đến đời sống, kinh tế xã hội như phòng trừ dịch bệnh trên người, động vật và thực vật, bảo tồn và phát triển cây dược liệu, ứng dụng tri thức bản địa. Các cán bộ của Viện cũng tham gia nhiều dự án đánh giá tác động môi trường cho các dự án xây dựng thủy điện, nhiệt điện, điện hạt nhân, khu công nghiệp, khai thác khoảng sản, làm đường, bến cảng,... ở Việt Nam và Lào.
Trong năm 2021, Viện STTNSV chủ trì khoảng 100 nhiệm vụ khoa học công nghệ các cấp. Một số đề tài quan trọng cấp quốc gia như Đề tài thuộc Chương trình Tây Nguyên, Đề tài thuộc Chương trình 562, các đề tài Điều tra cơ bản, Sự nghiệp bảo vệ môi trường. Viện chủ trì 24 đề tài do Quỹ Phát triển Khoa học và Công nghệ Quốc gia tài trợ, gần 30 đề tài cấp Viện Hàn lâm KHCNVN và 4 nhiệm vụ hợp tác với các bộ ngành, địa phương. Các đề tài đều đảm bảo tiến độ, có kết quả tốt, một số đề tài có sản phẩm vượt trội. Các dự án hợp tác quốc tế và NGOs do nước ngoài tài trợ (HSI, USAID, WCS, WWF,...) cũng được đối tác đánh giá cao và duy trì quan hệ hợp tác lâu dài.
Cán bộ của Viện cũng tham gia tư vấn trong công tác xây dựng luật, chính sách có liên quan đến bảo tồn thiên nhiên ở Việt Nam cũng như tích cực tham gia các hoạt động có liên quan đến các công ước quốc tế mà Việt Nam ký kết như Công ước về Đa dạng sinh học (CBD), Công ước về Buôn bán quốc tế các loài động thực vật hoang dã bị đe dọa (CITES), Luật Đa dạng sinh học, Luật Lâm nghiệp, Luật Thủy sản và các Nghị định của Chính phủ.
Công trình công bố
Trong giai đoạn 2016-2021, cán bộ của Viện STTNSV đã công bố khoảng 650 bài báo thuộc danh mục ISI, đăng ký 7 bằng sáng chế quốc tế, 2 bằng sáng chế quốc gia, hơn 200 bài báo quốc tế khác, 150 bài báo trên tạp chí của Viện Hàn lâm KHCNVN, 250 bài báo trên tạp chí quốc gia khác và kỷ yếu hội nghị khoa học, 50 sách giáo trình/chuyên khảo/tham khảo; công bố 5 giống mới và hơn 420 loài mới cho khoa học. Trung bình mỗi cán bộ trong biên chế công bố khoảng 1,3 bài báo ISI/năm. Đáng chú ý, trong số công bố quốc tế có nhiều bài báo thuộc danh mục ISI uy tín (Nature, Scientific Reports, Biological Conservation, Molecular Phylogenetics and Evolution,…) và quốc tế uy tín. Bộ sách Động vật chí - Thực vật chí Việt Nam là sản phẩm của đề tài độc lập cấp Viện Hàn lâm giai đoạn 2016-2018 đã đạt giải A sách hay năm 2019.
Công tác đào tạo
Viện STTNSV tham gia công tác đào tạo sau đại học với Học viện Khoa học và công nghệ, tổ chức cho sinh viên đại học đến thực tập nghiên cứu về lĩnh vực sinh thái và tài nguyên sinh vật.