Giới thiệu
Giun đất là một nhóm loài động vật không xương sống, đã xuất hiện trên trái đất cách đây khoảng 600 triệu năm (Lavelle et al., 1999). Chúng thuộc lớp Oligochaeta (Giun ít tơ), ngành Annelida (Giun đốt) (Edwards et al., 1996).
Giun đất giữ vai trò quan trọng quyết định tính chất vật lý, hóa học và sinh học của đất (Thái, 1989; Edwards et al, 1996; Edwards, 2004), nhiều kết quả nghiên cứu cho thấy giun đất góp phần rất lớn để làm tăng sự phát triển của thực vật nói chung và tăng sản lượng cho cây trồng nói riêng (Bohlen, 2002; Chaudhuri et al., 2009; Pachanasi et al., 1996; Bhadauria et al., 2009). Thịt giun đất giàu đạm, thích hợp làm thức ăn cho cá, gia cầm, gia súc (Thái, 1989). Trong y học dân gian của nước ta và nhiều nước trên thế giới, giun đất được sử dụng để chữa một số bệnh (Thái, 1989; Satchell, 1983). Giun đất còn là sinh vật chỉ thị cho mức độ thay đổi, nguồn gốc của một vùng đất và tính chất đất (Thái, 2000; Thái và Phạm, 1984). Ngoài ra, chúng còn là nhóm động vật giữ vị trí quan trọng trong quá trình tiến hóa của động vật từ nước lên cạn, góp phần hình dung quá trình hình thành đơn vị bậc loài, dưới loài và sự tiến hóa của các hệ cơ quan ở động vật (Thái, 1983; Thái, 1989). Bên cạnh đó, một vài loài giun đất còn là vật chủ trung gian của một số động vật ký sinh gây hại cho người và vật nuôi (Bùi và Nguyễn, 1993; Nguyễn và Bùi, 1995; Arancon et al., 2005; Marhan et al., 2005; Tạ, 1995).
Năm 1838, Charles Darwin đã xuất bản bài báo đầu tiên về giun đất, cho thấy vai trò quan trọng của chúng trong việc hình thành lớp đất trồng (Drawin, 1838). Đến năm 1881, ông đã xuất bản quyển sách “The Formation of Vegetable Mould through the Action of Worms with Observations on their Habits”. Quyển sách này được xem như một bước ngoặc lịch sử trong nhận thức của con người nói chung và các nhà khoa học nói riêng về tầm quan trọng của giun đất (Drawin, 1881; Brown, 2003). Từ đó cho đến nay, nhất là trong khoảng thời gian cuối thế kỉ XIX và đầu thế kỷ XX, có rất nhiều công trình nghiên cứu về hình thái học, mô học, phân loại học, sinh thái học,… của giun đất (Edwards, 2004). Đặc biệt là những công trình nghiên cứu về khu hệ giun đất ở nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ khác nhau trên thế giới. Cho đến nay, nhiều nước đã xây dựng được chuyên khảo riêng cho nhóm loài này như Ấn Độ (Stephenson, 1923), Nhật Bản (Easton, 1981), New zealand (Lee, 1959), Pháp (Bouché, 1972), Myanmar (Gates, 1972), Liên Xô cũ (Perel, 1997), Đài Loan (Chang et al., 2009),…
Khu hệ giun đất Việt Nam cũng được quan tâm nghiên cứu từ rất sớm bởi các tác giả nước ngoài như Perrier (1872, 1875), Stephenson (1931), Michaelsen (1934), Omodeo (1956). Sau đó là hàng loạt các công trình của nhiều tác giả trong nước, mở đầu là công trình của Thái Trần Bái (1983). Ông là người đặt nền móng và định hướng cho công tác nghiên cứu giun đất ở Việt Nam và đã trực tiếp hướng dẫn các nghiên cứu sinh và một số học viên cao học điều tra khu hệ giun đất ở những vùng, miền khác nhau của Việt Nam. Cho đến nay, công tác nghiên cứu khu hệ giun đất đã được thực hiện trên một phạm vi khá lớn trên lãnh thổ nước ta nhưng với nhiều lý do khác nhau mà các tác giả vẫn chưa hoàn thành chuyên khảo giun đất cho Việt Nam.
Hầu hết các kết quả nghiên cứu khu hệ giun đất ở nước ta, đặc biệt là những công bố loài mới vẫn chưa được nhiều nhà nghiên cứu giun đất trên thế giới biết đến bởi hầu hết các bài báo này được công bố bằng tiếng Việt và tiếng Nga.
Chính vì những lý do trên, “Đa dạng loài giun đất ở Việt Nam” được lựa chọn để thực hiện nhằm tập hợp cơ sở dữ liệu ban đầu cho tất cả các loài giun đất được phát hiện ở Việt Nam. Một số nội dung được chú ý để tổng hợp như: tên khoa học, công bố gốc, synomyn, đặc điểm chẩn loại, phân bố trong và ngoài nước, nhận xét (nếu có), hình minh họa (ưu tiên cho các loài mới cho khoa học được công bố từ Việt Nam). Nội dung này được xây dựng trên cơ sở những tài liệu đã công bố, và cập nhật mới (nếu có thay đổi).
Từ những nội dung thực hiện của chuyên đề sẽ trang bị kiến thức khái quát về khu hệ giun đất ở Việt Nam, sẽ là nền tảng vững chắc để thực hiện nội dung nghiên cứu chính của nghiên cứu sinh. Kết quả này cũng sẽ là nguồn tài liệu hữu ích cho những nhà nghiên cứu, đặc biệt cho những học viên cao học mới bắt đầu nghiên cứu giun đất ở Việt Nam. Hơn thế nữa, với kết quả thực hiện được sẽ là cơ sở dữ liệu ban đầu cho website giới thiệu khu hệ giun đất Việt Nam, với hy vọng trang web này sẽ được hoàn thành trong tương lai gần đây.