Các thuật ngữ sử dụng trong phân loại/định loại giun đất

 

* Đai sinh dục: là sản phẩm của lớp biểu mô ở một phần cơ thể, tạo thành lớp vỏ kén sau khi ghép đôi. Phần lớn các loài có đai sinh dục phồng lên và một số loài khác phần đai kém phát triển nhưng tất cả chúng được phân biệt với các phần khác của cơ thể bởi màu sắc. Có thể phân biệt thành 2 dạng đai sinh dục là đai hở (hình yên ngựa) và đai kín (hình nhẫn), một số loài khác có đai không rõ ràng (chỉ có vùng đai)

 

* Tơ: là cơ quan vận chuyển làm điểm tựa khi giun đất đào hoặc di chuyển trong hang. Dựa vào số lượng tơ trên mỗi đốt có thể phân thành 2 kiểu, lumbricine (mỗi đốt có 8 tơ xếp thành 4 đôi) và perichaetine (mỗi đốt có nhiều tơ xếp thành vòng). Tơ thường phát triển ở vùng giao phối (đặc biệt là lỗ đực) được gọi là tơ giao phối nhưng hiếm khi xuất hiện ở các loài thuộc giống Pheretima. Tơ các loài của giống Planapheretima (giun lá) có tơ tập trung nhiều ở bụng gọi là đế bò.

 

* Lỗ nhận tinh: là lỗ đổ của túi nhận tinh ra ngoài cơ thể. Giun đất thường có 2 đôi lỗ nhận tinh hoặc nhiều hơn, tối đa là 7 đôi nhưng cũng có trường hợp không có lỗ nhận tinh. Vị trí xuất hiện của lỗ nhận tinh thay đổi tùy theo loài, thường phân bố từ rãnh đốt 4/5 đến 8/9 (hiếm khi ở 3/4 hoặc 9/10). Trên mỗi đốt chúng thường đổ ra ở rãnh gian đốt, hiếm khi ngay trên bề mặt đốt (ở trước hoặc sau vành tơ). Phần lớn lỗ nhận tinh nằm ở bụng hoặc bên bụng nhưng đôi khi cũng nằm gần về phía lưng.

 

* Nhú phụ sinh dục: thường nằm trên bề mặt thành cơ thể về phía bụng ở vùng nhận tinh (external marking) không có tuyến phụ ở bên trong hay ở vùng đực (genital marking) có tuyến phụ bên trong.     

 

* Lỗ sinh dục đực: lỗ sinh dục đực nằm trong nhú đực, có hình thái thay đổi tùy từng nhóm loài khác nhau.

 

* Buồng giao phối: Là lõm thành cơ thể chủ yếu về phía bụng (gặp ở các loài có nhú đực) hay lõm đều theo mọi phía của thành cơ thể cùng với penis (ở nhóm không có nhú đực). Theo Thái Trần Bái (1983) có 3 kiểu buồng giao phối ở nhóm loài Pheretima có manh tràng: kiểu 1 lõm đều lỗ sinh dục đực vào trong thành cơ thể, kiểu 2 hình thành nếp gấp bên ở phía ngoài lỗ sinh dục và thành cơ thể phía bụng lõm dần vào tạo thành buồng giao phối, kiểu 3 hình thành các rãnh đồng tâm quanh lỗ sinh dục đực và lõm đều vào trong thành cơ thể.

 

* Lỗ tuyến tiền liệt: Có 4 kiểu vị trí đổ ra ngoài của lỗ đực và lỗ tuyến tiền liệt:

Kiểu acanthdrilin : khi lỗ đực ở đốt XVIII và 2 đôi tuyến tiền liệt đổ ra ngoài ở đốt XVII và XIX.
Kiểu megascolecin có lỗ đực và tuyến tiền liệt cùng đổ ra ở đốt XVIII.
Kiểu microscolecin có lỗ đực và tuyến tiền liệt cùng đổ ra ở đốt XVII.
Kiểu balantin có lỗ đực và tuyến tiền liệt cùng đổ ra ở đốt XIX.

* Lỗ sinh dục cái: có cả dạng đôi hoặc đơn, xuất hiện ở giữa bụng. Ở họ Enchytraeidea lỗ cái nằm ở vách gian đốt 12/13; họ Lumbricidae, Megascolecidae và Glossoscolecidae lỗ cái nằm ngay trên đốt XIV [156]. Ở Pheretima, cũng có 1 hoặc 2 lỗ, luôn nằm phía bụng ở đốt XIV, có 2 lỗ sinh dục cái là đặc điểm cổ thường gặp ở nhóm không có manh tràng (gần 48%), hiếm khi gặp ở nhóm có manh tràng.

* Môi: là một thùy trên miệng, xuất phát ở mặt lưng của đốt đầu tiên và là cơ quan quan trọng giúp cảm nhận môi trường và lấy thức ăn. Có 4 kiểu môi chính là: zygolobous, prolobous (môi trước), epilobous (môi giữa) và tanylobous (môi sau), ngoài kiểu zygolobous các kiểu còn lại đều có những dạng trung gian.
 

Hình 1. Các kiểu môi của giun đất

 

* Lỗ lưng: là những lỗ nhỏ mở ra ở bên ngoài cơ thể ở rãnh gian đốt giữa đường lưng. Các lỗ lưng này thông với thể xoang bên trong cơ thể. Lỗ lưng tiết dịch thể xoang có tác dụng làm trơn, giữ ẩm bề mặt cơ thể và bảo vệ giun đất khỏi thú ăn thịt và vật kí sinh.

 

* Túi nhận tinh: là cơ quan nhận tinh dịch của đối phương khi ghép đôi. Túi nhận tinh bao gồm một ampun và một hay một vài diverticulum, đôi khi không có diverticulum. Tùy vào vị trí xuất phát của diverticulum mà chia thành 2 dạng, diverticulum đổ gần lỗ nhận tinh (diverticulum ngoài) hoặc đổ trên cuống của ampun (diverticulum trong).

 

* Tuyến trứng và túi trứng: Tuyến trứng là cơ quan tạo trứng, có dạng giống quả lê (pear - shape) ở Lumbricus hoặc có dạng cánh quạt (fan - shape) ở Pheretima. Túi trứng là nơi dự trữ trứng, gồm 1 đôi nằm ở đốt XIV có dạng giống như chồi cây gắn chặt vào vách ngăn đốt.

 

Tuyến tinh: Tuyến tinh là cơ quan sản xuất ra tinh trùng, có dạng các mạch nhỏ gắn chặt vào mặt trong thành cơ thể ở vách ngăn đốt 9/10 và 10/11.

Holandric: Tuyến tinh đủ khi còn giữ cả 2 đôi
Metandric: đôi trước bị tiêu giảm chỉ còn tuyến tinh sau
Protandric: đôi sau bị tiêu giảm chỉ còn đôi trước

* Túi tinh hoàn: là túi bao quanh tuyến tinh ở đốt X và XI. Túi tinh chứa đầy các chất dinh dưỡng cung cấp cho sự phát triển của tinh trùng. Túi tinh kết hợp với tinh nang là nơi dự trữ tinh dịch. Có hai kiểu là dưới hầu (suboesophageal) và quanh hầu (perioesophageal), còn giữa 2 túi tinh hoàn có thể đơn (không thông nhau) hoặc là kép (thông nhau).

 

* Tinh nang: là cơ quan lớn nhất và dễ quan sát nhất của hệ sinh dục, một khối có màu trắng nằm ở bên ngoài ống tiêu hóa.

 

* Tuyến tiền liệt: có cấu trúc gồm 1 tuyến và 1 ống dẫn (cuống), với chức năng sản xuất tinh dịch tham gia vào quá trình giao phối. Họ Megascolecidae tuyến tiền liệt có 2 dạng chính là dạng ống (tubular) và dạng chùm (racemose), ở các họ khác có dạng khối cơ hình ngón tay (finger - like) hoặc có dạng ống cuộn lại (convoluted tubes).

 

* Tuyến phụ sinh dục: ứng với mỗi nhú phụ sinh dục ở vùng đực có một hoặc nhiều tuyến phụ sinh dục bên trong.

 

Hình 2. Các kiểu tuyến phụ sinh dục ở Pheretima
A. dạng cuống đơn; B. dạng cuống hợp; C. dạng không có cuống.


 

* Manh tràng: là nhánh ruột tịt, nơi tập trung các tế bào tiết enzim phân hủy xenlulozo. Căn cứ vào sự xuất hiện của manh tràng Pheretima được chia thành 2 nhóm lớn là có manh tràng (coecata) và không có manh tràng (Acoecata). Có 4 kiểu liên quan đến đời sống của chúng: manh tràng đơn giản (simple), xẻ thùy (serrate), hình lược (manicate) và lông chim (multiple).
 

Hình 3. Bốn kiểu manh tràng của giống Pheretima
A. Manh tràng đơn; B. Manh tràng xẻ thùy; C. Manh tràng lược; D. Manh tràng lông chim.

 

* Vách ngăn đốt: Vách ngăn đốt là vách ngăn ngang, giới hạn giữa các đốt, bám vào thành ruột và thành cơ thể. Phân biệt vách tiêu giảm, vách dày và vách mỏng.

 

* Gờ lưng: là gờ hướng vào trong khoang ruột, chạy dọc đường lưng, tập trung nhiều tế bào tuyến của thành ruột. Phân biệt gờ gấp nếp, gờ chữ T, gờ dạng tấm và gờ tiêu giảm.

 

* Tim bên: ở Pheretima, mỗi loài thường có 4 đôi tim bên phân bố đều trên 4 đốt từ đốt X đến XIII, ở một số loài có đôi đầu tiên và cuối cùng bị tiêu biến hoặc chưa hoàn chỉnh. Trong phân loại giun đất nhiều tác giả đã chú ý đến sự có mặt hay không của đôi tim bên cuối cùng ở đốt XIII [152].

 

* Hậu thận: là cơ quan bài tiết của giun đất, được chia thành 2 dạng chính là hậu đơn thận lớn (holoic) và vi hậu thận (meroic).
* Tuyến canxi: tiết ra CaCO3 dưới dạng tinh thể, là các túi chuyên hóa từ thành thực quản, có nhiều ngăn và tập trung nhiều mạch máu.

 

* Dạ dày cơ: là phần ống tiêu hóa có thành cơ khỏe, hình củ hành, dùng để nghiền thức ăn.