Lịch sử nghiên cứu

Ở Việt Nam giun đất được nghiên cứu từ rất sớm. Mở đầu là công trình của Perrier (1872) đã công bố 1 loài mới cho khoa học Perionyx excavatus* trong mẫu thu ở Nam Bộ. Đến năm 1875, ông đã phát hiện thêm 3 loài giun đất ở đây, trong đó có 1 loài mới cho khoa học là Pheretima juliani và 2 loài lần đầu gặp ở Việt Nam là Pheretima posthumaPheretima houlleti.

Trong các loài mới được công bố ở bài báo “Giun ít tơ ở Burma, Kenya và các vùng khác trên thế giới” của Stephenson (1931), có 2 loài giun đất thu ở cao nguyên Lâm Viên – Đà Lạt là Pheretima bianensis và Pheretima annamensis (Stephenson, 1931).

Năm 1934, Michaelsen giới thiệu danh sách gồm 20 loài giun đất cho Đông Dương, với 16 loài mới cho khoa học được thu ở Đà Lạt, Đà Nẵng, đảo Phú Quốc, Phú Thọ. Trong đó có Pheretima bangoiana là tên đồng vật của Pheretima bahli và phân loài Pheretima bianensis duplofasciata được xem như mô tả theo quan điểm phân loại học cá thể (không có sự khác biệt lớn đối với loài gốc Pheretima bianensis Stephenson, 1931).

Năm 1956, Omodeo trong công bố các loài giun đất ở Đông Dương và Địa Trung Hải, có 6 loài thu ở Sài Gòn và Vũng Tàu, với 1 loài mới cho khoa học là Pheretima saigonensis (Omodeo, 1956) nhưng về sau Thái Trần Bái đã tu chỉnh lại là tên đồng vật của Pheretima  bahli Gates, 1945 (Thái, 1983).
Năm 1960 và 1965, Thái Trần Bái đã phát hiện thêm 2 loài giun đất ở Bắc Bộ là Pheretima aspergillumLampito mauritii (Tài liệu chưa công bố).

Như vậy trong giai đoạn 1872 đến 1965, chính thức có 28 loài giun đất được phát hiện ở Việt Nam, chủ yếu bởi các tác giả nước ngoài. Trong số đó, có 24 loài thuộc giống Pheretima và 4 loài cho 4 giống còn lại là: Perionyx, Dichogaster, Drawida, Pontodrilus.

Trong khoảng thời gian từ 1965 đến sau năm 1978, việc nghiên cứu giun đất ở Việt Nam tạm thời bị gián đoạn bởi chiến tranh. Trong giai đoạn này, các nhà nghiên cứu chỉ tập trung được dẫn liệu về hình thái và sinh thái học của một vài loài giun đất phổ biến để phục vụ cho công tác biên soạn giáo trình động vật không xương sống (Thái, 1983).

Cho đến năm 1979, công tác thu mẫu giun đất ở Việt Nam mới được tiến hành rộng rãi và có hệ thống nhằm phục vụ cho luận án tiến sĩ khoa học (Giun đất Việt Nam – Hệ thống học, khu hệ, phân bố và địa lý động vật) của Thái Trần Bái (1983).  Trong công trình này ông đã căn cứ vào các dẫn liệu thư mục và các mẫu thu ở 60 điểm thuộc 25 tỉnh thành của cả nước đã công bố được 109 loài và phân loài thuộc 6 họ và 17 giống cho khu hệ giun đất Việt Nam. Trong số trên có 39 loài và phân loài do tác giả công bố mới cho khoa học. Ngoài ra, công trình này còn thảo luận thêm về hệ thống phân loại học của nhóm loài Pheretima và rút ra những quy luật tiến hóa ở một số hệ cơ quan của giun đất (Thái, 1982a; Thái, 1982b; Thái, 1983a; Thái, 1983b).

Sau đó, Thái Trần Bái tiếp tục hướng dẫn nhiều nghiên cứu sinh và học viên cao học tiến hành điều tra thành phần loài, đặc điểm phân bố và tính chất địa động vật của giun đất ở những vùng, miền khác nhau của Việt Nam. Từ năm 1985 đến 1996 là giai đoạn có nhiều bài báo nghiên cứu về khu hệ giun đất Việt Nam được công bố nhất, do trong giai đoạn này có 6 luận án phó tiến sĩ về giun đất được thực hiện ở 6 khu vực khác nhau của nước ta.

Trước tiên, là luận án phó tiến sĩ của Trần Thúy Mùi (1985) nghiên cứu khu hệ giun đất Đồng bằng Sông Hồng. Kết quả nghiên cứu cho thấy có 32 loài giun đất thuộc 7 họ và 12 giống, bổ sung thêm 16 loài gặp lần đầu ở Việt Nam.
Khu hệ giun đất miền Tây Bắc được nghiên cứu chủ yếu bởi Đỗ Văn Nhượng (1994). Ông đã công bố một danh sách với 95 loài và phân loài giun đất thuộc 6 họ và 7 giống, trong đó có 15 loài lần đầu gặp ở Việt Nam, 15 loài và phân loài mới cho khoa học. Cùng năm 1994, Nguyễn Văn Thuận tổng kết có 54 loài và phân loài, thuộc 6 họ, 9 giống giun đất được tìm thấy ở khu vực Bình Trị Thiên. Trong nghiên cứu này ông ghi nhận thêm 6 loài và phân loài giun đất mới phát hiện ở Việt Nam và công bố được 5 loài mới cho khoa học.

Năm 1995, đánh dấu cho bước đầu hoàn thành công tác điều tra cơ bản khu hệ giun đất miền Đông Bắc và Quảng Nam – Đà Nẵng của Lê Văn Triển và Phạm Thị Hồng Hà. Khu hệ giun đất miền Đông Bắc có 72 loài và phân loài, thuộc 5 họ, 11 giống, với 9 loài và 1 phân loài lần đầu gặp ở Việt Nam và 5 loài mới cho khoa học. Khu hệ giun đất Quảng Nam – Đà Nẵng có 48 loài và phân loài, thuộc 8 giống, của 4 họ, với 6 loài mới cho khoa học và 1 loài lần đầu phát hiện ở Việt Nam.

Năm 1996, Huỳnh Thị Kim Hối hoàn thành công tác điều tra cơ bản cho khu hệ giun đất Phía Nam Miền Trung với 75 loài và phân loài, thuộc 6 họ và 14 giống. Trong số các loài trên, có 8 loài mới cho khoa học và 1 loài lần đầu gặp ở Việt Nam.

Ngoài những công trình trên trong giai đoạn 1985 đến 1996 còn có một số công trình nghiên cứu ở những khu vực nhỏ. Thái Trần Bái và Trần Bá Cừ (1986) công bố các dẫn liệu về khu hệ giun đất ở vùng Kỳ Sơn – Nghệ Tĩnh (Nghệ An). Trần Minh Khôi (1988) nghiên cứu thành phần loài và đặc điểm phân bố của giun đất ở  miền Núi Tây Bắc Nghệ Tĩnh,…

Sau năm 1996, có một số bài báo mang tính chất tổng kết của Thái Trần Bái được công bố như: mô tả các loài Pheretima không có manh tràng ở Việt Nam và khóa định loại Acoecata ở khu vực Đông Dương (1996), dẫn liệu về các loài giun lá (Planapheretima  sensu Sims và Easton, 1972) được phát hiện ở Việt Nam và khóa định loại của chúng (1997), họ giun đất Ocnerodrilidae ở Việt Nam (2000), đa dạng loài giun đất ở Việt Nam (2000). Trong giai đoạn này cũng có thêm một số dẫn liệu về khu hệ giun đất Việt Nam được công bố ở Vườn Quốc Gia Tam Đảo (Thái và Nguyễn, 2001), các đảo phía Nam – Việt Nam (Thái và ctv, 2004), Vườn Quốc Gia Xuân Sơn (Huỳnh và ctv, 2004), phía nam tỉnh Bình Định (Nguyễn và Trần, 2008), KBTTN Khe Rỗ (Trần và Ngô, 2009), vành đai sông Tiền (Nguyễn và ctv, 2009), Tiền Giang (Nguyễn và Nguyễn, 2010), Đà Nẵng (Phạm, 2010), …

Cho đến nay, đã phát hiện ở Việt Nam có 210 loài và phân loài giun đất thuộc 18 giống xếp trong 8 họ, với 187 loài và phân loài thuộc giống Pheretima. Do chưa có sự thống nhất với hệ thống phân loại của Sims và Easton (1972) và Easton (1979) cho nhóm loài này nên các tác giả ở Việt Nam vẫn chỉ xếp chúng vào giống Pheretima Kinberg, 1867. Đã có gần  100 bài báo cung cấp những dẫn liệu về khu hệ giun đất ở Việt Nam được công bố và đã phát hiện trên 100 loài và phân loài giun đất mới cho khoa học từ Việt Nam nhưng những kết quả này chưa được nhiều nhà nghiên cứu trên thế giới biết đến bởi hầu hết trong chúng chỉ được công bố bằng tiếng Việt và tiếng Nga.