GS. TSKH. Đặng Huy Huỳnh: SỰ PHỐI HỢP GIỮA CÔNG ĐOÀN VÀ CHÍNH QUYỀN LÀ SỨC MẠNH TỔNG HỢP TRONG MỌI HOẠT ĐỘNG QUA CÁC THỜI KỲ XÂY DỰNG VÀ PHÁT TRIỂN CỦA VIỆN STTNSV

Thứ bảy - 06/04/2024 06:43 63 0
SỰ PHỐI HỢP GIỮA CÔNG ĐOÀN VÀ CHÍNH QUYỀN LÀ SỨC MẠNH TỔNG HỢP TRONG MỌI HOẠT ĐỘNG QUA CÁC THỜI KỲ XÂY DỰNG VÀ PHÁT TRIỂN CỦA VIỆN SINH THÁI VÀ TÀI NGUYÊN SINH VẬT
GS. TSKH. Đặng Huy Huỳnh
Nguyên Viện trưởng Viện ST&TNSV
1. Ý nghĩa và tầm quan trọng của sự phối hợp
          Trước tiên, tôi xin bày tỏ niềm vui mừng phấn khởi chào mừng Công đoàn Viện STTNSV  tròn 25 tuổi, giàu ước mơ, tuổi đầy hứa hẹn và sự thành đạt. Nhân dịp này, với tấm lòng của một cán bộ hưu trí, một đoàn viên công đoàn năm xưa, tôi chân thành kính chúc các đồng chí trong Ban chấp hành Công đoàn các cấp và toàn thể đoàn viên công đoàn các thế hệ của Viện STTNSV , thuộc Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam thật mạnh khỏe, nhiều thắng lợi trong mọi hoạt động quản lý, nghiên cứu khoa học của Viện và hạnh phúc trong cuộc sống.
          Thưa các đồng chí và các bạn, hồi tưởng lại những ngày đầu thập kỷ, những năm 80 của thế kỷ XX, tức là 25 năm về trước, hướng khoa học Công nghệ Sinh thái-Tài nguyên sinh vật và Môi trường thuộc Viện Khoa học Việt Nam đã chính thức ra đời. Thực ra, các đề tài nghiên cứu theo hướng này cũng đã có từ lâu trong các Viện nghiên cứu Khoa học tự nhiên, Viện Sinh vật học, thuộc Viện Khoa học Việt Nam. Như vậy là đã một phần tư thế kỷ trôi qua, cùng với quá trình xây dựng, vận động và phát triển không ngừng của đất nước, được sự quan tâm của Đảng bộ và Ban chấp hành Công đoàn Viện Khoa học Việt Nam, Trung tâm Khoa học Tự nhiên và Công nghệ Quốc gia trước đây, nay là Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Công đoàn Viện STTNSV  đã từng bước trưởng thành, phát triển và lớn mạnh không ngừng.
          Sự trưởng thành lớn lên của Công đoàn cũng như của Viện STTNSV  không chỉ về thành tựu nghiên cứu khoa học và công nghệ phục vụ cho nhân dân, cho đất nước, mà còn thể hiện ở sự thành công vững vàng về mặt tổ chức, xây dựng lực lượng Công đoàn ngày càng hùng mạnh. Sự trưởng thành giữa các thế hệ nối tiếp nhau đã hình thành nên một đội ngũ cán bộ công đoàn có năng lực, có kinh nghiệm, có trình độ nghiên cứu và quản lý qua các thời kỳ trong quá trình phát triển đi lên của Viện STTNSV  suốt 25 năm qua.
          Sở dĩ có được sự thành công rất đáng được trân trọng và khích lệ đó, là nhờ sự phấn đấu, sự nỗ lực, cố gắng không mệt mỏi của toàn thể đoàn viên công đoàn, của toàn thể cán bộ công nhân viên chức của Viện STTNSV  qua các giai đoạn. Nhưng không kém phần quan trọng, đó là có sự phối hợp chặt chẽ giữa Công đoàn và Chính quyền, đây là yếu tố dệt nên mọi sự thành công suốt cả quá trình xây dựng và phát triển Viện.
          Sự phối hợp nhịp nhàng, chặt chẽ giữa Chính quyền và Công đoàn, có nghĩa là mối quan hệ tôn trọng lẫn nhau theo quy chế phối hợp giữa những người đại diện cho đoàn viên công đoàn là Ban chấp hành Công đoàn với Ban Lãnh đạo Viện là những người đại diện cho công nhân viên chức được qui định, phân công rõ ràng, cụ thể dựa trên nguyên tắc dân chủ, bàn bạc, cởi mở, thân thiện không chỉ ở cấp Lãnh đạo Viện mà ngay cả ở các cấp Công đoàn bộ phận, tổ Công đoàn với các phòng ban chuyên môn trong viện.
          Tuy nhiên tất cả mọi việc đều dưới sự lãnh đạo của tổ chức Đảng: Đảng bộ, Chi bộ, tổ Đảng, có nghĩa là chúng ta đã và đang kết nối tất cả các thành viên trong cơ quan qua các thời kỳ lịch sử thành một khối thống nhất, vững chắc với mục đích duy nhất là xây dựng Viện STTNSV  thành một đơn vị nghiên cứu khoa học và công nghệ vững mạnh trong Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam, để thực hiện một hướng khoa học và công nghệ vô cùng quan trọng của đất nước hiện nay và cả trong tương lai : “Hướng Sinh thái Tài nguyên, Đa dạng sinh học và Bảo vệ môi trường”.
2. Nội dung và thành quả của sự phối hợp.
          Để minh chứng sự phối hợp trong sáng giữa Công đoàn và Chính quyền Viện STTNSV  với tinh thần trách nhiệm cao của các thế hệ Ban chấp hành Công đoàn với các nhiệm kỳ Chính quyền Viện trong 25 năm xây dựng và phát triển, tôi xin nêu lên một số nét cơ bản về sự phối hợp cần thiết, một mối quan hệ gắn bó hữu cơ tốt đẹp giữa Lãnh đạo Công đoàn và Lãnh đạo Chính quyền qua các thời kỳ đặc biệt của 25 năm vừa qua, 25 gắn bó với cái tên “Sinh thái và Tài nguyên Sinh vật”.
2.1. Như chúng ta đều biết, Viện STTNSV  cũng như các viện khác trong ngành sinh vật học ở Viện Khoa học Việt Nam trước đây, nay là Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam, cũng đều xuất  thân từ ban Sinh vật Địa thuộc Ủy ban Khoa học và Kỹ thuật Nhà Nước từ những năm đầu của thập kỷ 60 của thế kỷ XX. Và từ năm 1975, Viện Sinh vật học (thuộc Viện Khoa học Việt Nam) trong đó có lĩnh vực Sinh thái và Tài nguyên sinh vật được thành lập. Trong những năm từ 1975 trở về trước là giai đoạn khó khăn của đất nước, cũng chính trong thời kỳ đó, vai trò của Công đoàn nói chung và của đoàn viên công đoàn Ngành Sinh vật nói riêng đã được thể hiện rất rõ rệt. Công đoàn đã cùng với các cấp chính quyền động viên toàn thể cán bộ công nhân viên chức khắc phục mọi khó khăn, thiếu thốn để thực hiện nhiệm vụ chính trị mà Đảng, Nhà nước giao phó. Có thể nói, hoàn cảnh càng khó khăn thì sự trao đổi, bàn bạc giữa Công đoàn với Chính quyền càng thường xuyên, gắn bó và mật thiết hơn để tìm được hướng giải quyết thích hợp nhất trong từng điều kiện, từng hoàn cảnh cụ thể, ví dụ như khắc phục khó khăn khi Viện đi sơ tán ở Lập Thạch (Vĩnh Phúc), Hiệp Hoà (Bắc Giang).
2.2. Thời gian trôi qua, cùng với sự phát triển chung của đất nước, của Viện Khoa học Việt Nam, của Trung tâm Sinh thái và Tài nguyên sinh vật, Viện STTNSV  cũng được bắt đầu và ra đời từ những tháng năm đầu tiên của thập kỷ 90 thuộc thế kỷ trước tức là ngày 5 tháng 3 năm 1990, Viện STTNSV  chính thức được thành lập theo quyết định số 65/CTQD-HĐBT. Như vậy, trải qua 25 năm, hướng sinh thái, tài nguyên và môi trường trực thuộc Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam đã hoạt động một cách tích cực, mạnh mẽ và đúng hướng. Với thời gian gần một phần tư thế kỷ thực hiện một hướng nghiên cứu trọng đại bao hàm nhiều vấn đề về khoa học cơ bản của nguồn tài nguyên sinh học, của đa dạng sinh học trong thiên nhiên kể cả đa dạng về cây, con truyền thống ... cũng không phải là dễ dàng, trong hoàn cảnh trang thiết bị, nguồn kinh phí và nhân lực còn hạn chế. Tuy nhiên chúng ta đã có những đóng góp nhất định qua những thành tựu về khoa học, công nghệ trong lĩnh vực điều tra cơ bản, đánh giá hiện trạng cũng như dự báo xu thế diễn biến của các nguồn tài nguyên sinh vật, đa dạng sinh học, đồng thời đề xuất các giải pháp sử dụng bền vững các nguồn tài nguyên sinh vật trong các hệ sinh thái, bảo vệ môi trường ở Việt Nam. Các thành tựu, kết quả nghiên cứu sinh thái và tài nguyên sinh vật cũng đã góp một phần quan trọng vào sự nghiệp phát triển kinh tế xã hội và bảo vệ môi trường ở nước ta. Các thành tựu cụ thể của các chương trình đề tài nghiên cứu khoa học thuộc hướng sinh thái và tài nguyên về bảo tồn đa dạng sinh học. Chính trong các thành tựu to lớn ấy, bên cạnh sự nỗ lực phấn đấu bền bỉ, liên tục của toàn thể các đoàn viên công đoàn, cán bộ công nhân viên chức của Viện qua các thời kỳ, thì cũng có sự đóng góp không nhỏ của các thế hệ Ban chấp hành Công đoàn và các đồng chí Lãnh đạo của Viện.
2.3. Nội dung và cách thức phối hợp.
          Cụm từ "phối hợp" mà chúng ta thường sử dụng, nghe cũng đơn giản nhưng thể hiện như thế nào để mang lại hiệu quả đúng với cụm từ đã có từ muôn đời nay là vấn đề không dễ dàng. May mắn là tất cả các cán bộ của các thế hệ ở Viện STTNSV  suốt 25 năm qua đã cố gắng thực hiện đúng đắn cụm từ "phối hợp" này. Đúng vậy, 25 năm qua, trong quá trình xây dựng và phát triển cũng trải qua biết bao khó khăn tưởng chừng không vượt qua được. Thế nhưng, có Chính quyền vững tay chèo lái, các thành viên trong Ban chấp hành Công đoàn các cấp của Viện luôn luôn đứng bên cạnh các tay lái để cùng bàn bạc, thảo luận, hiến kế từ việc nhỏ đến việc lớn của viện như các hướng nghiên cứu, các đề tài nghiên cứu trong các giai đoạn đều được thảo luận, bàn bạc dân chủ trước khi Hội đồng khoa học Viện xem xét quyết định. Không dừng lại ở khâu chuyên môn mà Ban chấp hành Công đoàn được Chính quyền luôn luôn giao phó trách nhiệm nặng nề là chăm lo cải thiện đời sống vật chất và tinh thần cho cán bộ công nhân viên chức của Viện. Đây là công việc không dễ dàng chút nào, vì từ xưa đến nay, các nhiệm kỳ của Ban chấp hành Công đoàn có lúc 5, lúc 7 thành viên, nhưng cũng chỉ có con người thôi, không hề có nguồn tài chính, cơ sở vật chất để thực hiện nhiệm vụ Chính quyền giao phó! Bó tay ư! Không! và không hề xao lãng nhiệm vụ Chính quyền tin tưởng giao phó mà bằng sự nhiệt tình với tinh thần trách nhiệm cao của một tổ chức quần chúng, là cánh tay đắc lực của Đảng, các cán bộ Công đoàn của Viện ta luôn được sự đồng tình và hỗ trợ của các cấp chính quyền, chăm lo cải thiện đời sống tinh thần và vật chất cho cán bộ công nhân viên chức rất có hiệu quả, rất đáng được trân trọng. Nói về phong trào thể dục thể thao, thể hiện qua phong trào tập luyện và thi các môn bóng bàn, bóng chuyền, bóng đá ... cũng có lúc làm cho các đội bạn phải kiêng nể, thán phục. Còn văn nghệ thì cũng đã từng dấy lên phong trào toàn cán bộ công nhân viên chức trong Viện đứng lên sàn diễn của Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam với các tiết mục đơn ca, song ca, tam tứ ca, thất bát lục ca và đồng ca hoành tráng thu hút đầy đủ các thế hệ "ca sĩ không chuyên" của Viện với tinh thần tiếng hát át những khó khăn để cùng chung sức làm tròn nghĩa vụ của cán bộ công chức, đã làm cho mọi người phải ngạc nhiên ngắm nhìn đội ngũ các đoàn viên Công đoàn Viện STTNSV  về sự thống nhất, đoàn kết vui vẻ của một tập thể khoẻ mạnh. Ngoài ra từ những năm đầu thập kỷ 90 trong thế kỷ XX đến nay, năm nào cứ mùa hè đến là với sự đồng thuận, ủng hộ chủ trương của Công đoàn, Ban Lãnh đạo Viện luôn hỗ trợ và tạo điều kiện giúp đỡ để Ban chấp hành Công đoàn thực hiện đáp ứng nhu cầu chính đáng của đoàn viên công đoàn bằng việc tổ chức các chuyến nghỉ mát đầy ấn tượng ở các bãi biển nổi tiếng của Việt Nam như Đồ Sơn, Sầm Sơn, Cửa Lò, Cát Bà, hạ Long .... Không dừng lại ở các cuộc tham quan xuyên Việt mà Ban chấp hành Công đoàn cùng chính quyền đã tạo điều kiện cho anh, chị em công đoàn viên có cơ hội tham quan ở những điạ danh du lịch nổi tiếng của một số nước như Trung Quốc, Thái Lan. Các chuyến xuất ngoại đầy ấn tượng để tạo cho sức khoẻ và tâm hồn không chỉ riêng các đoàn viên công đoàn đương chức mà cả các ông, bà, chú, cô và các cháu đã từng công tác trong Viện đều được mời tham gia đầy dủ và chu đáo.
          Thực hiện lời dạy của Bác hồ Kính yêu "Ăn quả nhớ kẻ trồng cây" và để thực hiện lời dạy bảo mang tính nhân văn cao cả ấy: cứ mỗi một mùa xuân đến, là thời kỳ của tre già, măng mọc, Ban chấp hành Công đoàn cùng Chính quyền Viện tổ chức mừng xuân, mừng người cao tuổi và năm nào cũng có tổ chức lễ mừng thọ cho những ông bà trường thọ của cái tuổi xưa nay hiếm, được nhận quà, nhận hoa.... thể hiện tình cảm cao đẹp qua các thế hệ. Rõ ràng vai trò của Công đoàn, đặc biệt của các đồng chí trong Ban chấp hành đã luôn luôn thể hiện tinh thần trách nhiệm cao đối với toàn thể đoàn viên công đoàn. Đấy cũng là lý do mà hầu như năm nào, Công đoàn Viện STTNSV  cũng vinh dự nhận được sự động viên, khen thưởng, cổ vũ khích lệ của Ban Lãnh đạo Công đoàn Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam và các tổ chức Công đoàn cấp trên: Công đoàn Viên chức Việt Nam, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.
          Cuối cùng tôi mong rằng toàn thể cán bộ công chức, đoàn viên công đoàn trong Viện cùng đồng thuận, nhất trí hoan nghênh sự phối hợp chặt chẽ tuyệt vời giữa Công đoàn và Chính quyền Viện STTNSV  trong 25 năm qua vì mục đích duy nhất là "chung lưng đấu cật" gánh vác, xây dựng và phát triển bền vững Viện STTNSV , thuộc Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam. Là một cán bộ, một đoàn viên công đoàn đã về hưu, tôi luôn tin tưởng và kính chúc cho sự hợp tác phối hợp chặt chẽ giữa Công đoàn và Chính quyền Viện STTNSV  ngày càng củng cố, phát triển. Nhân dịp kỷ niệm tuổi 25 của Công đoàn Viện STTNSV , tôi xin kính chúc các đồng chí trong Ban chấp hành Công đoàn cũ, mới, các cấp và toàn thể đoàn viên công đoàn các thế hệ Viện STTNSV  thật mạnh khoẻ, hạnh phúc và thành đạt.

Tác giả: admin

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Văn bản

Quyết định 66/QĐ-VHL

Quy chế về công tác bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, kéo dài thời gian giữ chức vụ, điều động, biệt phái, luân chuyển, thôi giữ chức vụ, miễn nhiệm đối với viên chức quản lý các cấp thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam

lượt xem: 157 | lượt tải:66

Quyết định 1662/2023/QĐ-VHL

Quy chế quản lý thống nhất các hoạt động đối ngoại của Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam

lượt xem: 132 | lượt tải:45

Quyết định 217/QĐ-VHL

Đề tên Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam trong các công bố khoa học, văn bằng sở hữu trí tuệ và các sản phẩm khoa học công nghệ khác hình thành từ nguồn ngân sách nhà nước

lượt xem: 102 | lượt tải:45

Quyết định 110/QĐ-VHL

Chương trình thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2023 của Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam

lượt xem: 107 | lượt tải:57

Quyết định 107/QĐ-VHL

Quy chế Phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí

lượt xem: 121 | lượt tải:47

Quyết định 83/QĐ-VHL

Quy chế Xét tặng Kỷ niệm chương

lượt xem: 114 | lượt tải:79

Quyết định 84/QĐ-VHL

Quy chế Giải thưởng Trần Đại Nghĩa

lượt xem: 119 | lượt tải:53

Quyết định 85/QĐ-VHL

Quy chế Xét khen thưởng đối với cá nhân và tổ chức nước ngoài

lượt xem: 120 | lượt tải:46

Quyết định 88/QĐ-VHL

Quy định chức năng, nhiệm vụ và cơ cấu tổ chức của Văn phòng Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam

lượt xem: 107 | lượt tải:44

Quyết định 89/QĐ-VHL

Quy chế làm việc của Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam

lượt xem: 122 | lượt tải:50
Liên kết
  • Đang truy cập16
  • Hôm nay3,146
  • Tháng hiện tại45,356
  • Tổng lượt truy cập95,204
Trạm Đa dạng sinh học Mê Linh
HỌC VIỆN KHCN
Viện Hàn lâm KHCNVN
VAST
Nhà xuất bản KHTNCN
Nhà xuất bản KHTN và CN
Tạp chí AJB
Tạp chí Sinh học
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây